Thách thức nào cho Spotify khi lấn sân vào thị trường Việt Nam?
Sau bao ngày trông ngóng, ngày 13 tháng 03 vừa qua, Spotify – dịch vụ stream nhạc hàng đầu thế giới chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Không chỉ đem đến cho người dùng sự trải nghiệm âm nhạc mang tính cách mạng và độc nhất vô nhị, đó còn là cơ hội “có một không hai” cho các thương hiệu Việt tiếp cận người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, việc gia nhập vào thị trường Việt cũng khiến Spotify phải đối mặt với không ít thách thức.
Spotify – dịch vụ stream nhạc hàng đầu thế giới chính thức ra mắt thị trường Việt Nam (Nguồn: Internet) |
Spotify – dịch vụ stream khám phá và cá nhân hóa âm nhạc độc đáo
Ra mắt vào năm 2008 tại Thụy Điển, Spotify là dịch vụ stream nhạc phổ biến nhất trên thế giới, với cộng đồng người dùng hàng tháng lên tới trên 159 triệu người, bao gồm 71 triệu người dùng trả phí sử dụng gói Spotify Premium tại hơn 60 quốc gia. Sau khi “làm mưa làm gió” tại thị trường nước ngoài, ứng dụng này đã chính thức có mặt tại Việt Nam, mang đến cho thị trường một kho nhạc đầy thú vị với hơn 35 triệu bài hát quốc tế và nhạc Việt dành cho cả hai nhóm người dùng miễn phí và có trả phí.
Sở hữu những tính năng khác biệt như Daily Mix (một loạt các playlist cập nhật mỗi ngày tập hợp những bản nhạc bạn yêu thích cùng những giai điệu mới mà chúng tôi tin rằng bạn sẽ hứng thú nghe thử), Release Radar (môt playlist tập hợp các bài hát mới dựa trên danh sách những nghệ sỹ bạn đang theo dõi và vẫn thường nghe, cập nhật mỗi thứ Sáu hàng tuần), và Discovery Weekly (một playlist được phát triển dựa trên hành vi nghe nhạc của chính bạn, tính năng này sẽ sớm được ra mắt), Spotify cho phép người dùng luôn có thể tiếp cận được với âm nhạc mình yêu thích chỉ trong tích tắc.
Cũng vì thế mà ứng dụng này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của hàng triệu cộng đồng mạng thế giới nói chung và đặc biệt là thị trường Việt Nam nói riêng. Hơn hết, với số lượng người dùng khổng lồ và rộng khắp, Spotify sẽ là mảnh đất “béo bở” cho các nhà làm quảng cáo và thương hiệu Việt.
Những thách thức nào cho Spotify khi lấn sân vào thị trường Việt Nam - thị trường đã quen "free"
Với một thị trường
âm nhạc trực tuyến đã quá quen với miễn phí và bão hòa, Spotify sẽ gặp phải
không ít thách thức để có thể khiến người dùng "nghe nhạc có ý thức".
Nhìn vào việc người dùng bàn tán và chia sẻ về Spotify trên mạng xã hội những ngày gần đây, không ít người đã tin vào tương lai tương sáng của ứng dụng này. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu ứng “bầy đàn” khi mà điều này cũng đã xảy ra với Apple Music hay Netflix khi 2 ứng dụng này vào thị trường. Bởi vì, sau khi số lượng dùng thử tăng nhanh thì sau đó cũng không có nhiều người còn nhắc hay chia sẻ về Apple Music như khi mới giá nhập thị trường. Nguyên nhân là do mức giá còn khá cao nhất là khi người Việt Nam đã quen với miễn phí, ít nhạc Việt Nam và Apple Music gắn với hệ sinh thái Apple còn khá “đóng”.
Mức phí của Spotify rẻ hơn thị trường khác, nhưng cao gấp đôi Zing Mp3, Nhaccuatui (Nguồn: Internet) |
Cụ thể, mức giá 59.000 đồng/tháng mà Spotify đưa ra tương đương với mức giá của Apple Music ở thị trường Việt Nam và rẻ hơn rất nhiều so với các thị trường khác trên thế giới. Mặc dù vậy, so với mức giá tài khoản VIP của các trang nghe nhạc trực tuyến lớn ở Việt Nam thì vẫn cao hơn hẳn. Cụ thể, mức giá VIP trên Nhaccuatui và Zing Mp3 vào khoảng 30.000 đồng/tháng, 80.000 đồng/3 tháng, 150.000 đồng/6 tháng và 270.000 đồng/12 tháng.
Thách thức lớn nhất là một thị trường đã quá quen với những thứ "free"
Mặc dù có phiên bản miễn phí để thu hút người dùng và độc quyền phát hành một số album như Tâm 9 (Mỹ Tâm) nhưng với việc bị giới hạn một số tính năng như không cho phép bỏ qua quá 6 bài trong 1 tiếng, không cho tải offline trên smartphone... cũng là một cản trở không nhỏ cho Spotify.
Nếu chỉ loay hoay với các phương án kiếm tiền quen thuộc như cung cấp tài khoản trả phí với mức giá như hiện nay, qua quảng cáo, bắt tay nhà mạng ra mắt gói cước, Spotify chắc chắn sẽ gặp khó khi người dùng chỉ thích miễn phí, quảng cáo thì ngày càng teo tóp bởi sự cạnh tranh của Google và Facebook. Chưa kể đến, để xâm nhập thị trường mới, chi phí marketing và PR, bản quyền sẽ là một số tiền không nhỏ để tạo thu hút người dùng. Guvera, ứng dụng nghe nhạc của Úc thành lập năm 2009, từng gọi vốn 130 triệu USD, cũng chia tay thị trường Việt Nam sau một thời gian ngắn thử nghiệm mô hình thu phí.
Đây là một thách thức không hề nhỏ khi ngay cả các ứng dụng nhạc trực tuyến trong nước cũng chưa thể giải được bài toán kiếm tiền hiệu quả và “chuyển đổi” được doanh thu tương ứng với số lượng người dùng đông đảo. Bản thân Spotify cũng đang gặp những khó khăn nhất định khi “cứ kiếm được 100 đồng, Spotify phải chi 84 đồng cho ngành công nghiệp âm nhạc, 16 đồng còn lại mới là của họ”. Doanh thu năm 2015 của Spotify là hơn 2 tỉ USD nhưng lỗ gần 200 triệu USD, lỗ lũy kế gần 700 triệu USD.
Nguồn tài nguyên nhạc Việt Nam còn quá eo hẹp
Thách thức tiếp theo mà Spotify phải đối mặt đó là số lượng bài hát và playlist nhạc Việt Nam. Mặc dù Spotify đã sở hữu các ca sĩ hạng A như Lệ Quyên, Mỹ Tâm cho đến các ca sĩ trẻ như Sơn Tùng M-TP hay Noo Phước Thịnh, nhưng so với các trang nhạc “nội” thì số lượng các ca khúc Việt trên Spotify vẫn chưa thực sự phong phú và cũng chưa có nhiều playlist nhạc Việt “chất” giống như playlist nhạc US-UK. Ngoài ra, ứng dụng Spotify phiên bản Việt Nam vẫn khác biệt một số tính nắng so với bản ở thị trường US-UK. Khi ưu điểm lớn nhất chưa được phát huy, rõ ràng Spotify sẽ khó thuyết phục người dùng trả phí hơn.
Thị trường âm nhạc tại Việt Nam hiện nay đã ở mức bão hòa
Thị trường âm nhạc Việt Nam đã ở mức bão hòa (Nguồn: Internet) |
Tại thị trường Việt Nam hiện nay, số lượng người dùng Youtube, Zing Mp3 và Nhaccuatui luôn nằm trong top đầu ở Việt Nam. Vì thế, cơ hội cho một ứng dụng mới chen chân không phải là một điều dễ dàng. Keeng, Nhac.vn, Nhac.vui hay NhacSO.net là những ví dụ điển hình.
Kết luận
Nói tóm lại, dù phải đối diện với rất nhiều những thách thức sắp tới nhưng việc xuất hiện của Spotify là một tín hiệu tốt cho thị trường nhạc Việt Nam để người dùng bắt đầu làm quen và có ý thức hơn với việc “nghe nhạc có ý thức”. Bởi vì, chỉ với một thị trường âm nhạc trả phí thì mới khiến các bên tham gia từ nghệ sĩ, các trang nhạc, người dùng hưởng lợi: người dùng nhận được các sản phẩm âm nhạc có chất lượng từ nội dung cho đến file nhạc, nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề và yên tâm cho ra đời những tác phẩm tốt, các trang nhạc có kinh phí để duy trì và phát triển.
Thách thức nào cho Spotify khi lấn sân vào thị trường Việt Nam?
Reviewed by Kiều Trinh
on
15:57
Rating:
Không có nhận xét nào: